Tác động Vụ án cầu Chương Dương

Gia đình nạn nhân

Sau vụ án, Nguyễn Văn Lát – bố của Nguyễn Việt Phương – nhập học Trường Đại học Luật Hà Nội hệ đào tạo tại chức và trở thành luật sư sau khi tốt nghiệp vào năm 1999.[5]

Truyền thông Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập, Đại Đoàn Kết nhận định "vụ án cầu Chương Dương" gây được tiếng vang hiệu ứng xã hội về công lý, thay đổi phương pháp điều tra xét xử của ngành hành pháp và tư pháp tại Việt Nam.[36] Phóng viên Minh Tuấn cho rằng "Bộ Công an phải trưng cầu cơ quan giám định pháp y của Bộ Quốc phòng giám định lại" vì "dư luận không tin tưởng giám định pháp y của Công an, cũng như của Bộ Y tế".[5]

Phóng viên Hồ Cúc Phương đánh giá báo Phụ nữ Thủ Đô nổi bật giữa làng báo chí tại Việt Nam vào năm 1993 nhờ loạt phóng sự điều tra "vụ án cầu Chương Dương".[13] Nguyễn Văn trên Lao Động nhận định kết luận sai lầm bản giám định pháp y của Bộ Y tế do "tình trạng thiếu trầm trọng giám định viên pháp y" trong giai đoạn đó, dẫn đến việc "bổ nhiệm bác sỹ chuyên khoa giải phẫu bệnh lý làm giám định viên pháp y kiêm nhiệm"; trong khi giám định viên pháp y phải hiểu biết rất nhiều lĩnh vực chuyên môn khác ngoài giải phẫu bệnh lý.[3]

Tiến sĩ luật Mark Sidel tại Đại học Wisconsin–Madison nhận định rằng "trường hợp này cho thấy đôi khi truyền thông báo chí tại Việt Nam đã chiếm lĩnh không gian điều tra tội phạmtranh tụng do nhà nước cấp quyền chức năng cho nó, dẫn đến tạo ra lý thuyết cú hích tham số vượt quá những gì chính quyền dự đoán hoặc mong đợi; đồng thời củng cố tuyên bố của nó về tiếng nói đại diện cho công luận".[14] Tiến sĩ luật Mark Sidel kết luận biết rất ít về "quy trình nội bộ và áp lực" mà các phóng viên cũng như biên tập viên tại Việt Nam khi đối mặt với những vấn đề công chúng quan tâm; dẫn chứng Đại Đoàn Kết và Phụ nữ Thủ đô tương đối tự do theo đuổi vụ án, trái ngược với An ninh Thủ đô và các tờ báo an ninh khác vẫn bị kiểm duyệt cho đến giai đoạn xét xử cuối cùng của vụ án.[37]

Giới luật gia Việt Nam

Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú) nhìn nhận "vụ án cầu Chương Dương" là vụ án lớn với sự góp mặt của luật sư bảo vệ bị hại, trong khi bối cảnh thập niên 1990 với số lượng ít luật sư hành nghề, thời điểm đó truyền thông Việt Nam mới bắt đầu phỏng vấn quan điểm của giới luật gia.[38]

Theo một bài phỏng vấn của Dân Việt năm 2010, Trưởng văn phòng luật sư Hồng Bách Nguyễn Hồng Bách dẫn chứng "vụ án cầu Chương Dương" như một minh họa điển hình về việc cần có pháp y Quân đội nhân dân Việt Nam độc lập trong các sự việc liên quan đến Công an nhân dân Việt Nam.[39]

Luật Giám định pháp y

Buổi chiều ngày 21 tháng 5 năm 2020, Quốc hội Việt Nam thống nhất thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, một tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, chức năng giám định âm thanh và hình ảnh từ các dữ liệu điện tử; một cơ quan giám định tư pháp ngoài Bộ Công an.[3][19][40] Trong phiên thảo luận trước đó, các Đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Kim Xuân, Nguyễn Thanh Hồng cho rằng không nên bổ sung vai trò "tư pháp công lập" cho Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nguyên nhân do lo ngại tăng số lượng công chức, khiến trái với Nghị quyết 39-NQ/TW và Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh giản biên chế của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa ủng hộ thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khi dẫn chứng Bộ luật Tố tụng hình và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; đồng thời nhấn mạnh Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ chủ trương tinh giản "những gì không cần thiết".[19]

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Mai Bộ nêu vụ án cầu Chương Dương "đã bao lần giám định của công an không ra được, đến khi giao giám định quân đội mới ra"; đồng thời đề nghị "phải trưng cầu [giám định pháp y] từ cơ quan khác" thay vì "chỉ thay đổi giám định viên" khi trưng cầu giám định lại theo Điều 34 Luật Giám định pháp y hiện hành.[3] Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu khuyến nghị thành lập cơ quan giám định kỹ thuật hình sự thuộc Tòa án nhân dân tối cao thay vì thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; trong khi Đại biểu Nguyễn Quang Dũng muốn thành lập "Phòng Giám định kỹ thuật hình sự" của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khi nêu "vụ án cầu Chương Dương" và "vụ gài ma túy vào ô tô" với kết quả giám định bế tắc từ phía Bộ Công an.[19]

Quyền nổ súng của Công an

Cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Minh Thuyết cho rằng "vụ án cầu Chương Dương" sẽ khó điều tra nếu áp dụng quyền được nổ súng của Công an đối với đối tượng chống người thi hành công vụ.[41]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ án cầu Chương Dương https://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-an-cau-chuong-duon... https://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-an-cau-chuong-duon... https://web.archive.org/web/20201128204221/https:/... https://nguoilambao.vn/xuat-phat-tu-1 https://web.archive.org/web/20230704224308/https:/... https://tuoitre.vn/truong-ban---ngay-ket-thuc---ky... https://www.nguoiduatin.vn/khi-xa-thu-doi-mat-nguo... https://danviet.vn/phap-y-quan-doi-can-vao-cuoc-77... http://daidoanket.vn/an-tinh-ngoi-nha-so-66-567863... https://congly.vn/moi-luong-duyen-giua-nha-bao-va-...